Chao cái quả sấu non - chưa ăn mà đã giòn


"Chao cái quả sấu non - chưa ăn mà đã giòn"



Nắng đang tan chảy trong không gian, quyện vào cỏ cây màu vàng chói lòa. Ở trong nhà nóng như lò thiêu, tôi xách máy tính ra vườn, ngồi bên gốc sấu già và lặng im thưởng thức cái mát lành của bóng cây giữa trưa, cái vị chua giòn thanh thanh của trái sấu. Vị chua dìu dịu thấm vào đầu lưỡi kích thích các giác quan. Tôi ngả mình xuống bãi cỏ, mở đôi mắt nhìn những quả sấu non mỡ màng, xanh bóng đang đơm khuy áo cho bầu trời thu. Sấu quả thực hạnh phúc lắm khi được nhà thơ tình của Việt Nam - Xuân Diệu ca ngợi chúng:
Chao! Cái quả sấu non
Chưa ăn mà đã giòn,
Nó lớn như trời vậy,
Và sẽ thành ngọt ngon.
                                                          (Quả sấu non trên cao – Xuân Diệu)
Khi cái nắng chang chang vắt kiệt sức người tan chảy thành mồ hôi, đầm đìa trên lưng áo người nông dân, trên cái dáng gầy gò của bà hàng xáo, trên mặt những người thợ xây đang đu mình ở những tường cao, chỉ cần một cốc sấu đá mát lạnh thì bao nhiêu mệt mỏi tiêu tan. Cái chua dìu dịu của sấu tan vào trong đường cát, thêm một chút đá bào nhỏ là trở thành thứ nước giải khát thơm mát chẳng thể chối từ.


Cậu tôi mở một quán nho nhỏ dưới gốc sấu để bán sấu đá. Cây sấu hơn 30 năm tuổi tỏa bóng mát rợp quán nước. Bà con nông dân mỗi khi qua đều ghé quán của cậu nghỉ ngơi và thưởng thức vị mát lành của sấu. Thân cây sấu xù xì và chẳng đẹp tí nào. Nó mang trên mình những dấu tích của thời gian và sự tàn phá của thiên nhiên. Một năm nọ, sấu bị sét đánh gãy ngọn, thế mà sấu chẳng chết, cứ vươn mình ra giữa cái nắng oi ả của trưa hè, giữa mưa bão phập phồng để hít lấy nguồn sống từ bầu trời này. Những con bọ nẹt xanh lè, những con sâu to bằng ngón tay bò trên lá sấu, hau háu ăn như chẳng biết đến chua là gì?
Cây sấu già là tài sản quý giá mà ông ngoại tôi để lại, nó giúp cậu tôi rất nhiều trong cuộc sống. Khi tháng 6, tháng 7 tới, những trái sấu căng đầy thịt, hạt sấu đã chắc, cậu tôi và các em hái sấu đem bán. Ngày đầu cậu cân sấu cho thương lái. Người ta mua cả cây và trả cho cậu gần triệu bạc. Thấy rẻ và xót quá nên năm sau cậu chẳng bán nữa. Cậu bán sấu đá dưới gốc sấu còn lãi gấp 3, 4 lần so với trước. Mỗi cốc sấu chỉ có 4000 đồng thôi, rẻ và thơm ngon lắm. Sau mỗi vụ sấu cậu lại kiếm được vài triệu bạc để chuẩn bị tiền mua sách vở, quần áo và đóng học phí cho ba đứa con khi năm học mới bắt đầu. Năm nay sấu đắt lắm, bán tận gốc những 20 nghìn một cân – điều có khiến cậu tôi vui mừng lắm.


Sấu góp mặt trong cuộc sống của tôi từ khi nào chẳng biết nữa. Trong bữa ăn mộc bình dị, lá sấu bánh tẻ hay vài quả sấu thả vào nồi nước rau muống làm cho nước canh có màu phấn hồng trông rất bắt mắt, húp một bát canh mà mát tận trong ruột, vị chua dìu dịu của nó cùng với một bát sấu ngâm mắm làm cho bữa ăn trưa thêm ngon miệng và mát ruột. Cứ mỗi mùa sấu đến chúng tôi lại rục rịch đi kiếm một ít măng tre, ớt về để làm món sấu ngâm măng. Chắc chẳng nơi nào có món sấu măng như quê tôi. Mẹ tôi không thích ăn cay liền làm món sấu ngâm mắm. Những quả sấu tròn trịa được cạo vỏ, ngâm qua nước vôi rồi khứa ngoài vỏ hay đập dập cho bớt nhựa rồi cứ theo tỉ lệ về sấu –nước mắm – nước sôi thế là có món sấu mắm ăn được vài tháng cũng nên. Những bình sấu ngâm đường luôn là thức uống giải khát giữa cái nóng oi ả của người dân quê.


Tôi đi học đại học, mẹ ra thăm kèm theo hai lọ sấu mắm và sấu đường để mấy chị em trong phòng cùng thưởng thức. Cứ đến bữa cơm, nhìn lọ sấu mắm mà nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ cây sấu già vô cùng. Nó như đựng cả làng quê thân yêu, đựng cả tuổi thơ tôi vào đó.
Chiều nay nhà cậu tôi bẻ sấu đem bán bớt và biếu anh em ở xa làm quà. Món quà giản dị, mộc mạc như thân sấu sần sùi nhưng chứa nặng nghĩa tình của người nhà quê. Các em tôi hí hửng lắm đây. Chúng nô đùa hò hét dưới tán sấu, thi nhau vặt quả. Rồi vào năm học mới lại vui mừng khoe bạn bè áo mới, cặp sách, vở, bút mới. Bẻ sấu cũng nhọc nhằn lắm chứ. Chăm cây đến ngày hái quả là một quá trình dài nhưng đến khi được hái cũng có đơn giản gì đâu. Cành sấu giòn lắm, còn những chùm quả thì cứ đua ra tận ngoài cùng nên muốn bẻ cứ phải oằn người ra, dùng câu liêm móc lại mà bẻ. Vết thương trên tay tôi cũng từ trèo sấu mà ra. Cứ mải miết trèo ra nên cành cây giòn quá đã gãy răng rắc, một tích tắc ngắn ngủi tôi bơi trong không trung rồi rơi bụp xuống đất và ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy thì đã nằm trong bệnh viện với cánh tay bó bột. Từ đó tôi càng thấm những nỗi nhọc nhằn của người nông dân:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
                                          (Ca dao)
Mỗi một dịp đi trên phố phường Hà Nội, nhìn những dãy sấu già trầm tư trong cái ồn ã của phố sá, những thảm lá sấu vàng ươm làm nền cho bức tranh Hà Nội, những quán nước sấu ven đường, món ô mai sấu hấp dẫn mời gọi các bạn trẻ, tôi không khỏi rưng rưng khi nhớ tới những nhọc nhằn của người hái sấu, những mong ước cây sấu đậu quả thật sai để có tiền đóng học phí, mua sách vở cho con cái của cậu tôi. Cây sấu già ơi. Mãi vươn lên nhé, mãi đơm hoa kết những chùm quả sai trĩu nhé để chở ước mơ của cậu tôi.
Cây sấu rì rào nô đùa cùng gió trong buổi trưa yên bình. Trời Thu xanh thắm, những quả sấu cài khuy áo cho chiếc áo xanh của trời. Bình yên quá một buổi trưa dưới gốc sấu già.

ST.

Related product you might see:

Share this product :

Đăng nhận xét